Lịch sử đã chép lại cho chúng ta những trang sử vàng của thời đại Hai Bà Trưng, Bà Triệu hay Cô Giang, Cô Bắc, Cô Ba Định…v…v những người phụ nữ anh thư xứng hàng quân tử góp công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhưng ít ai biết rằng, chính những hủ tục phong kiến hàng ngàn năm chèn ép lên văn hóa dân tộc ta mà có những người Mẹ Việt Nam đã không được nêu tên nhiều trong sách sử truyền tụng. Tuổi trẻ Công an Thủ đô, xin mời các bạn quay về với miền quá khứ, để kính vọng sự ngưỡng mộ của chúng ta với bà Hoàng Thị Loan, người mẹ tảo tần đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Bà Hoàng Thị Loan, sinh năm Mậu Thìn 1868, quê bà thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Vốn được sinh ra trong một gia đình Nho học truyền thống, từ nhỏ người con gái Hoàng Thị Loan được Cha truyền cho chữ thánh hiền, được Mẹ dạy cho Công – Dung – Ngôn – Hạnh. Lớn lên, bà đã trở thành người con gái thông minh, thùy mị, nết na. Hàng ngày chăm chỉ về việc đồng áng, đêm đêm miệt mài bên khung cửi se tơ, dệt lụa, nên nhiều chàng trai ngấp nghé tỏ tình. Vượt ra vòng lễ giáo của phong kiến hà khắc, bà đã kết duyên cùng chàng trai nghèo mồ côi Nguyễn Sinh Sắc và được bố của bà nhận về nuôi trực tiếp dạy cho học chữ. Năm 27 tuổi, một người phụ nữ nông thôn, chân bước chưa qua khỏi lũy tre làng bà đã có 1 sự hy sinh cao cả vì chồng thương con mà bước đi theo chồng vào Huế, để làm lụng nuôi chồng ăn học ở đất kinh thành. Đến Huế, đất Kinh Thành, người phụ nữ này đã vất vả bên khung cửi suốt 5 năm liền để cho chồng có cái ăn học, cho con cái để lớn khôn. Trong thời gian ở Huế, bà có hạ sinh thêm sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận (Nguyễn Sinh Xin), cái tên gắn liền với nỗi vất vả thiếu thốn đến tột cùng, được sự thương mến và đùm bọc của người dân bà đã sinh con an toàn nhưng vì nghèo, mẹ Bác phải trở mình lao động sớm, sức khỏe bà ngày càng yếu. Trong lúc người dân Đông Ba nô nức sắm sửa đón Tết thì cũng là nơi bà đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901), lúc này chỉ có cậu con trai Nguyễn Sinh Cung và đứa em vừa lọt lòng mẹ đang gào khóc vì khát sữa. Cha và anh chị lớn cùng bố ra Thanh Hóa để thi nên không về kịp. Bà ra đi khi tuổi đời còn xuân trẻ nhưng bà đã để lại cho dân tộc một trái tim còn lưu mãi hai tiếng Việt Nam. Bà là người Mẹ đã cho dân tộc Việt Nam một trái tim cùng nhịp với vận mệnh của non sông, người phụ nữ Việt Nam, những người phụ nữ chưa biết mặt, chưa đặt tên sẽ còn vang mãi bản anh hùng ca cho sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng cao cả này.
Tổng hợp