Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (được thụ phong năm 1948), một trong những người đầu tiên sáng lập ra Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.
Ông là vị tướng tài ba chưa từng học qua bất cứ trường lớp quân sự nào nhưng đã nhiều lần giành thắng lợi trên cương vị chỉ huy của các chiến dịch lớn trước đó. Ông là một nhà quân sự đã vận dụng tài giỏi chiến thuật chiến tranh du kích; là người lập kế hoạch và trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Chiến dịch đó đã giành thắng lợi vang dội “chấn động địa cầu”.
Cuối năm 1953, đầu năm 1954, kế hoạch đánh tập đoàn cứ điểm lịch sử Điện Biên Phủ được ta ráo riết chuẩn bị theo phương thức “đánh nhanh, thắng nhanh”. Đây là trận đánh đầu tiên Quân đội ta sử dụng đại bác 105 ly và pháo cao xạ, nên tinh thần bộ đội rất phấn chấn. Hầu hết các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận, Bộ Chỉ huy Chiến dịch và các chuyên gia nước ngoài đều có chung ý kiến: Cần đánh ngay trong lúc địch chưa tăng cường thêm quân và củng cố công sự. Nếu không đánh sớm, địch tăng cường lực lượng, tập đoàn cứ điểm sẽ trở nên quá mạnh và nếu không đánh nhanh sẽ khó giải quyết vấn đề tiếp tế, vì tuyến đường từ hậu phương ra tiền tuyến quá xa.
Tuy nhiên, với con mắt của một thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận ra những khó khăn, sự mạo hiểm của phương thức đánh này: “Nhiều người cho rằng sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ sẽ làm quân địch choáng váng, nhưng chúng ta chỉ có vài ngàn viên đạn. Đặc biệt mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần. Nhưng sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn. Không phải chỉ với sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch! Chúng ta cũng không thể giành chiến thắng với bất kể giá nào, vì phải giữ gìn vốn liếng cho cuộc chiến đấu lâu dài”. Bám sát trận địa và theo dõi sát sao mọi diễn biến của chiến trường, Đại tướng đã nhận ra ba khó khăn lớn mà chúng ta đang phải đối mặt:
“Thứ nhất, bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều.
Thứ hai, trận này, tuy ta không có máy bay, xe tăng, nhưng đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu mà lại chưa qua diễn tập. Vừa qua có trung đoàn xin trả lại pháo vì không biết phối hợp thế nào.
Thứ ba, bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 15km và rộng 6-7km…
Tất cả mọi khó khăn đó đều chưa được bàn bạc kỹ và tìm cách khắc phục.
Nhưng giải quyết ra sao? Pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đều có mặt ở tuyến xuất phát xung phong. Quyết định hoãn trận đánh một lần nữa sẽ tác động tới tinh thần bộ đội như thế nào…?
Tôi nhận thấy phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác, dù bộ đội có thắc mắc. Phải chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc.” (trích “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”).
Trước đó, khi quân ta đang chuẩn bị kéo pháo vào trận địa, Đại tướng đã hết sức băn khoăn trước phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, nhưng chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án này. Ông cũng đã tranh thủ ý kiến của các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch và chuyên gia quân sự nước bạn, nhưng không nhận được sự đồng thuận. Lần này, khi đã có những luận cứ thực tế, Đại tướng đã quyết định tổ chức cuộc họp Đảng ủy mặt trận để trưng cầu ý kiến và quyết định phương thức đánh.
Trong cuộc họp này, sau khi ghi nhận tất cả các ý kiến, Đại tướng đã nêu ra tất cả những khó khăn và nhắc lại lời căn dặn của Bác trước khi lên đường đi chiến dịch: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Vì nếu thua thì hết vốn”. Với sự phân tích thấu đáo của Đại tướng, Đảng ủy đã đi tới nhất trí, nếu thực hiện phương thức “đánh nhanh, thắng nhanh” trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục và Đại tướng đi đến kết luận: “Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng” cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra”.
Quyết định này thực sự là một đòn cân não đối với Đại tướng. Bao nhiêu mồ hôi xương máu của bộ đội, bao nhiêu tiền của của nhân dân đã đổ ra để mở 82km đường và kéo pháo vào trận địa, nay lại nhận được lệnh kéo pháo ra, làm sao không tác động mạnh tới tinh thần anh em binh sĩ? Trước đó, trận đánh đã phải lui lại 5 ngày (từ ngày 20 lùi lại ngày 25-1-1954) do việc kéo pháo vào trận địa gặp khó khăn, nay lại tiếp tục hoãn mà chưa ấn định được thời gian mở màn chiến dịch, tư tưởng bộ đội sẽ ra sao? Việc thay đổi cách đánh có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của người cầm quân, nhưng vì mục tiêu cuối cùng là chắc thắng, vì nếu mạo hiểm có thể “nướng” hàng ngàn binh sĩ trên chảo lửa chiến trường một cách vô ích, nên Đại tướng đã đi đến quyết định cuối cùng kéo pháo ra trận địa sau 11 ngày đêm trăn trở suy nghĩ.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ mang đậm dấu ấn của ông trong việc tạo thế, tổ chức hậu cần, thay đổi chiến thuật. Sau Chiến dịch này, Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm.
Là một người có tài tổ chức và kiên nhẫn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng bước xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12-1944 thành một đội quân với hơn một triệu người năm 1975. Là một nhà chiến lược – chiến thuật bậc thầy, ông đã lãnh đạo quân đội giành thắng lợi trong cả hai cuộc chiến tranh. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với một chiến thắng có ý nghĩa quốc tế của Quân đội nhân dân Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ – lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh bại trên chiến trường quân đội của một cường quốc châu Âu.
Với hơn 50 năm tham gia hoạt động chính trị ở cấp cao, trong đó có 30 năm là Tổng tư lệnh Quân đội, ông có uy tín lớn trong Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Quân đội và trong nhân dân, được coi là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là Người anh cả của Quân đội nhân dân.
Ông được cả thế giới biết đến như một trong những danh tướng của thế kỷ 20 – người đã đánh bại nhiều viên tướng quân đội Pháp trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và lần lượt đọ sức với nhiều danh tướng của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
St