Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tên tuổi Đại tướng Lê Trọng Tấn gắn với những chiến dịch, những trận đánh đi vào lịch sử. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét, ông là “Người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí thiết”.
Đại tướng Lê Trọng Tấn, tên thật là Lê Trọng Tố (1-10-1914 / 5-12-1986), bí danh Ba Long, sinh tại làng Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây trong một gia đình trí thức. Yên Nghĩa là xã có truyền thống yêu nước cũng như có truyền thống cách mạng, thời kỳ trước cách mạng, nhân dân xã đã nuôi giấu nhiều nhà cách mạng, mà sau này họ trở thành những lãnh đạo cao cấp của Việt Nam như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn… Đây chính là An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ thời tiền khởi nghĩa.
Ham mê bóng đá và võ nghệ từ nhỏ, khi là học sinh của trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An ở Hà Nội) ông đã được tuyển vào Câu lạc bộ bóng đá Không quân của Pháp. Sau đó, có một thời gian ông là lính khố đỏ.
Biết ông là con một nhà nho nghèo, yêu nước, bị bắt ép vào lính nên Đảng và Việt Minh đã cử người giác ngộ. Đầu năm 1944, ông tự nguyện bỏ Câu lạc bộ bóng đá Không quân của Pháp tham gia cách mạng. Lúc đầu ông được phân công làm công tác địch vận tại khu vực Hoàng Mai, Hà Nội. Sau đó, tham gia Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, phụ trách quân sự. Tại đây, ông đã dùng mưu kế, chỉ huy đội tự vệ chiếm đồn Đồng Quan, gây thanh thế cho cách mạng và lấy thóc để cứu đói dân. Chiếm đồn Đồng Quan chỉ với hai khẩu súng và diễn ra có vài phút mà không mất một viên đạn, một giọt máu đã hé lộ phẩm chất một tài năng quân sự lỗi lạc của tướng Lê Trọng Tấn.
Ông được mệnh danh là tướng trận, tướng tấn công và thường ví ông như Nguyên soái Zhukov của Quân đội Liên Xô. Các nhà khoa học quân sự và quân đội anh em kính nể ông về tài năng, đức độ. Ông đánh giá đúng tình hình, biết địch biết ta, thể hiện tài năng của người chỉ huy trận mạc trăm trận trăm thắng. Ông là hình mẫu của quân lệnh như sơn, thẳng thắn, nghiêm túc, bao dung, biết đánh, nhưng cũng biết dừng để bảo toàn lực lượng.
Ông đi đến đâu, chỉ huy chiến dịch nào, mũi tiến công vào đâu, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ của các quân đoàn do ông chỉ huy đều đoàn kết một lòng một dạ tin tưởng, vững tâm vào tài năng, thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán cho từng trận đánh. Kẻ thù nghe tin tướng Ba Long chỉ huy chiến dịch nào đều sợ hãi, hoảng loạn, co cụm, bạc nhược và tê liệt sức chiến đấu, đó là uy quyền của một dũng tướng. Thắng lợi trong những trận đánh, tất yếu có sự hy sinh đổ máu. Ông không bao giờ chấp nhận câu nói: “Trận này ta thiệt hại không đáng kể”. Vì đây là sự hy sinh xương máu của các chiến sĩ.
Cuộc đời ông đã có mặt hầu hết ở các chiến trường nóng bỏng và đã chỉ huy hàng trăm trận đánh trên cả 2 miền Nam – Bắc. Năm 1950, Đại đoàn 312 được thành lập, ông giữ chức Đại đoàn trưởng đầu tiên khi mới 36 tuổi. Dấu ấn 2 mốc son lịch sử của ông năm 1954, khi ông là Đại đoàn trưởng 312 chỉ huy tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đánh phía Đông vào Mường Thanh, bắt sống tướng De Castries. Năm 1975, ông là Tư lệnh trưởng, chỉ huy các binh đoàn đánh phía Đông vào Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, bắt sống tướng Dương Văn Minh buộc phải đầu hàng vô điều kiện.
Có thể nói, từ Đồng Quan đến Điện Biên Phủ rồi Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, biên giới Tây Nam, phía Bắc là những chặng đường lịch sử mà đồng chí Lê Trọng Tấn cùng nhiều tên tuổi lớn và tướng lĩnh tài ba khác của đất nước và quân đội ta đồng hành cùng dân tộc trong cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc. Từ một chỉ huy cấp phân đội, ông phát triển lên là Đại đoàn trưởng, rồi Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Hai trận đánh, hai mốc son lịch sử đã kết thúc hai cuộc chiến tranh với quân đội viễn chinh Pháp, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Mở ra kỷ nguyên mới, hòa bình, thống nhất độc lập và tự do của dân tộc. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Hai trận đánh xứng đáng hai lần anh hùng.
Lịch sử cũng đã ghi lại rằng, trong một lần tiếp Đoàn quân sự Việt Nam, Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro bắt tay Đại tướng Lê Trọng Tấn rồi hỏi mọi người xung quanh: “Đây có phải là tướng đánh hay nhất Việt Nam?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Đúng, đây là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam…”.
Không thể kể hết công trạng quá dài của ông, người ta chỉ có thể ghi nhận điều cốt yếu: Ông luôn được tin cậy để giao nhiệm vụ gây dựng nền móng ban đầu cho những công việc hệ trọng và mới mẻ. Không chiến trường nào không lưu dấu chân ông từ Bắc – Trung – Nam, không cuộc chiến tranh nào dù chống Pháp, chống Mỹ, chống bọn diệt chủng Pol Pot hay bảo vệ biên giới phía Bắc, lại không cần đến tài năng quân sự của ông.
Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1961, Trung tướng năm 1974, Thượng tướng năm 1980 và Đại tướng năm 1984. Ông mất ngày 5-12-1986 tại Hà Nội.
Nguồn báo QĐND
Ảnh sưu tầm