Theo lời kể, trên bàn làm việc của Bác thường có một bình hoa Huệ. Đó là mối tình đầu của Bác khi còn là chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành. Người con gái đó tên Lê Thị Huệ hay còn gọi là Út Huệ.
Bà có duyên được là học trò của cụ Phó bảng, học chữ Nho tại kiệt (ngõ) trên đường Đông Ba (Huế) từ khi còn nhỏ. Sau này, bà gặp lại Nguyễn Tất Thành và đã tôn thờ con người ấy suốt cuộc đời. Sau cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng một thời gian, Lê Thị Huệ nhận được tin Nguyễn Tất Thành đã chết tại Hồng Công. Bà đau đớn tột cùng.
Trong lần gặp gỡ nhà văn Sơn Tùng ở ngôi chùa tu hành ở Bà Rịa – Vũng tàu năm 1980, bà Lê Thị Huệ chia sẻ: “Tuổi trẻ của tôi u ám buồn và ngập chìm trong thương nhớ. Tôi mong ngóng, chờ đợi một con người ở tận bên kia trái đất. Không gì có thể tả được cái nỗi lòng ngày ấy… Thỉnh thoảng anh Diệp Văn Kỳ gặp tôi có nói: Cậu Thành vẫn hoạt động bên Paris…”.
Khi cụ Nguyễn Sinh Sắc tạ thế tại Cao Lãnh (1929), hai người con là Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm không vào kịp, Lê Thị Huệ đã cùng những người học trò cũ tổ chức lễ tang chu đáo và để tang cụ…
Sau này, có những lần Bác đã hỏi hai ông Bùi Công Trừng và Ung Văn Khiêm về cô Huệ nhưng cả hai ông đều nói chỉ biết rằng cô Huệ còn sống và đã đi tu, còn không biết thêm một thông tin nào nữa cả. Bác nghe xong rồi thở dài…
Bà Lê Thị Huệ hỏi Sơn Tùng: “Ông ở cạnh cụ Hồ nhiều năm, có khi nào thấy cụ nhắc tới hai chữ tình yêu không?”. Sơn Tùng kể lại câu chuyện, năm 1960, khi Viện Văn học dịch xong tập thơ “Nhật ký trong tù” do Nam Trân dịch. Riêng bài “Mới ra tù, tập leo núi”, Bác có dịch lại trên Báo Nhân Dân, ký bút danh T.Lan: “Mây ấp núi, núi ôm mây/ Lòng sông sạch, chẳng mảy may bụi hồng/ Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong/ Trông về cố quốc, chạnh lòng nhớ ai”.
Sơn Tùng vừa đọc hết bài thơ, bà Lê Thị Huệ xúc động thật sự: “À, tôi nhớ ra rồi”, bà đọc tiếp luôn: “Nhớ ai, ai nhớ, nhớ ai/ Biển Đông còn đó, non Đoài còn đây/ Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”. Đúng cậu Thành rồi! Cậu Thành vẫn không quên tôi!”.
Tạp chí Lịch sử quân sự của Viện quân sự Hoa Kỳ, do một số sĩ quan Anh – Mỹ trong quân đội của Đồng Minh khi sang Đông Dương đóng ở Cao Bằng, có tựa đề “Tôi sống cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu khởi nghĩa”.
Họ kể lại, có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ hỏi: “Không phải tò mò mà trên danh nghĩa là người đàn ông với nhau, tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh không lấy vợ, không lập gia đình?”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời một cách chân tình và thân mật: “Khi còn trẻ phải đi hoạt động cách mạng, khi giành được độc lập thì đã già, nên không dám tính chuyện đó. Trước khi tôi ra đi, tôi có yêu một người con gái, người con gái đó cũng rất yêu tôi. Nhưng phải dừng lại chuyện yêu đương, sau nhiều năm mất liên lạc, tôi không biết người con gái đó đang ở đâu, còn hay mất”.
(St)