Thứ nhất: Bậc thầy về kết hợp chiến tranh du kích với chính quy
Cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1945 đến 1975 là cuộc chiến tranh dài nhất lịch sử nhân loại. Trong cuộc chiến tranh ấy, Việt Nam luôn ở thế yếu hơn các đối thủ. Yếu hơn về mọi phương diện nhưng nghịch lý là Việt Nam lại luôn luôn nắm quyền chủ động chiến trường.
Trong 9 năm chống Pháp, chỉ sau chiến dịch Việt Bắc 1947, quân Pháp liền rơi vào thế bị động sau khi Đại tướng đưa vào thực thi kế hoạch phân tán bộ đội vào hoạt động trong vùng địch hậu. Cuốn tài liệu nổi tiếng của ông về vấn đề này là Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung.
Theo tinh thần này, các đơn vị lớn phân tán thành từng đại đội nhỏ, luồn sâu vào trong vùng địch tạm chiếm để làm chỗ dựa cho phong trào đồng thời phát triển thêm lực lượng. Khi cần thiết thì tập hợp lại thành những tiểu đoàn để tác chiến.
Ngay lập tức, “cú đấm” của quân Pháp đã đấm vào khoảng không vì không tìm đâu ra chủ lực của đối phương nhưng ở bất kỳ đâu chúng cũng bị đánh tơi tả, phải rút khỏi Việt Bắc. Theo sau thất bại ấy chúng phải về lo củng cố hậu phương, xây tháp canh, khống chế giao thông lập các vùng tề ngụy.
Các đại đội độc lập hoạt động trong vùng tạm chiếm chính là ý nghĩa khởi nguyên ban đầu cho sự kết hợp tuyệt diệu giữa chiến tranh chính quy và chiến tranh du kích. Du kích có chủ lực hỗ trợ thì du kích mạnh, chủ lực có du kích hỗ trợ thì thông thuộc đường sá và có chỗ dựa vững chắc về các mặt hậu cần.
Đến kháng chiến chống Mỹ, sự kết hợp này lại tiếp tục được phát triển lên đỉnh cao mới. Lực lượng của ta tuy ít hơn Mỹ – Ngụy nhưng bất kỳ cuộc hành quân nào của chúng, đến đâu cũng bị bắn tỉa, đặt mìn là vì du kích ta có ở mọi nơi. Trong khi đó, chủ lực ta lại tập trung và thường xuyên cơ động đánh vào những nơi địch tương đối yếu hoặc do tập trung quân đi càn quét mà sơ hở.
Ngay cả trên miền Bắc, trong cuộc chiến chống sự phá hoại của không quân và hải quân Mỹ, một cuộc chiến tưởng chừng chỉ có bộ đội chính quy với các khí tài hiện đại mới tham gia được. Nhưng thực tế đã cho thấy trong cuộc chiến ấy có sự tham gia của đủ 3 thứ quân. Chắc nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh các cụ già Hoằng Hóa bắn rơi máy bay với súng máy 12,7 mm hoặc các đội tự vệ nhà máy, đội dân quân ở Tam Đảo đã đặt súng đón lõng trên đường bay của máy bay F-111 để bắn rơi loại máy bay đắt tiền hiện đại nhất của Mỹ chỉ với súng bộ binh hoặc 12,7 mm.
Tướng Peter Mac Donald – nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Anh khi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi những dòng trang trọng: “Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.
Thứ hai: Vị tướng hậu cần kiệt xuất
Trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam”, nhà sử học Mỹ Cecil Currey cho rằng: “Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân… là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại”.
Lời đánh giá của Cecil Currey quả thực xác đáng. Vì có thể nói không ngoa rằng, chưa có vị tướng nào làm nhiều đường sá như Tướng Giáp. Chỉ tính riêng con đường vận tải Trường Sơn đã vượt qua rất xa cả về quy mô lẫn tính phức tạp so với con đường Miến Điện nổi tiếng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Con đường Trường Sơn đã nối liền được hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Sự ra đời của con đường có bàn tay chỉ đạo sát sao của Đại tướng và chính nó nằm trong một chỉnh thể tư duy quân sự của ông.
Ta không thể thắng Mỹ bằng một trận đánh dàn quân quy ước. Vậy chỉ còn cách phải phát triển tiếp lối đánh đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung thời đánh Pháp. Đưa chủ lực vào để hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đồng thời huấn luyện du kích để tạo thành cái thế đấu tranh trên hai chân (chính trị – quân sự). Muốn như thế thì phải có đường vận chuyển. Do đó đường Trường Sơn ra đời và nó chính là điểm mấu chốt trong công tác hậu cần của ta thời chống Mỹ.
Trong từng trận đánh cụ thể, Đại tướng lại càng quan tâm đến công tác hậu cần. Lý do chính để Đại tướng hoãn trận Điện Biên Phủ là do phương án chiến đấu chưa đảm bảo chắc thắng đồng thời còn nhiều khó khăn đặt ra trong quá trình chiến đấu mà chưa có biện pháp khắc phục.
Khi tổ chức lại theo phương án “đánh chắc tiến chắc”, Đại tướng đã chỉ đạo làm lại công tác hậu cần từ đầu để đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho thắng lợi.
Một câu chuyện được kể trong hồi ký Chiến trường mới của Thượng tướng Nguyễn Hữu An cho thấy mối quan tâm của Đại tướng đối với công tác hậu cần trong chiến đấu.
Đó là trong chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum mang mật danh là chiến dịch Z diễn ra cuối năm 1971. Cuối tháng 11, tướng An về Hà Nội báo cáo quyết tâm và kế hoạch chiến dịch sau một thời gian nghiên cứu chiến trường. Cuối buổi họp, tướng Giáp nhắc đi nhắc lại: “Phải đảm bảo chắc thắng. Khi chuẩn bị vào Long Chẹng phải nhớ làm đường vận tải tiếp tế hậu cần trước”.
Tuy nhiên, khi kết thúc đợt 1 chiến dịch, một số sĩ quan ở mặt trận nóng vội đã ra lệnh: phải thừa thắng tiến nhanh vào Long Chẹng, bỏ qua việc làm đường tiếp tế hậu cần. Nhớ lại lời dặn của tướng Giáp, tướng An có ý kiến dừng lại làm đường nhưng trong không khí thừa thắng, ít người quan tâm. Cuối cùng đã không làm đường mà cứ thế xông thẳng lên. Kết quả là pháo không bắn tới tầm nên không yểm trợ được cho bộ binh. Cuối cùng quân ta không hoàn thành được mục tiêu Long Chẹng trong đợt 2 chiến dịch.
REDSVN