Còn nhớ khi điều hành nhà nước cách mạng non trẻ, Bác đã rất quan tâm giáo dục cán bộ về chuyện này. Cuối năm 1954, Chính phủ có chủ trương thu hồi tiền của cách mạng phát hành trước đây để đổi lại cho nhân dân tiền Đông Dương ngân hàng. Tháng 2-1955, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh từ miền Nam ra gặp Bác báo cáo kết quả, trong đó có chuyện (so với số tiền đã phát hành thì) thu về còn thiếu khoảng 600 ngàn đồng. Bác nghiêm giọng: “Vậy là chú đã “quỵt” của bà con Nam bộ 600 ngàn đồng. Chú đã phạm đến quyền lợi của nhân dân”. Luật sư vội giải thích: Đồng bào Nam bộ không chịu đổi lại vì trên giấy bạc Việt Nam có in ảnh Bác. Bà con giữ lại để biểu thị quyết tâm theo Bác đến cùng”.
Nghe vậy, Bác rất xúc động nhưng vẫn dặn dò: “Mỗi việc làm của các chú, bất cứ việc gì đều phải quan tâm đến quyền lợi chính đáng của nhân dân chứ không được hứa suông. Bất luận việc gì đã hứa với dân là phải tìm cách làm cho được, không làm được phải xin lỗi dân. Chính quyền ta của dân, vì dân thì phải như vậy”.