Sau hai tuần Hà Nội khôi phục vận tải hành khách liên tỉnh, bến xe thưa thớt khách, nhiều xe bỏ chuyến. Nhà ga cũng vắng vẻ, một đôi tàu Bắc Nam ngừng chạy.
Chiều 4/11, sảnh bến xe Giáp Bát không có khách ngồi chờ, khu vực quầy chỉ có hai nhân viên bán vé tuyến đi Ninh Bình và Nam Định. Sau 20 phút chờ không thêm khách nào, anh Phạm Minh Khai, 29 tuổi, lái xe tuyến Khánh Thành (Ninh Bình) – Giáp Bát, đạp nhẹ chân ga rời điểm đỗ. Chiếc xe khách 29 chỗ xuất bến với 4 khách.
Anh Khai nhẩm tính, mỗi ngày chạy đủ 4 lốt, cộng phí cầu đường, bến bãi, xăng dầu, anh phải bù lỗ khoảng 500.000 đồng. Để hoạt động trở lại, anh phải ký cam kết “không đi vào nơi đang có diễn biến dịch phức tạp như vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng”.
“Người từ Hà Nội sợ về quê phải cách ly, chỉ có khách đi khám chữa bệnh. Hà Nội đã chuyển cấp độ 2, vùng vàng, xe được chạy, song chúng tôi không hiểu phải giữ cam kết thế nào. Nhỡ trên xe có một ca F0, lái xe phải chịu trách nhiệm ra sao”, anh Khai nói và cho hay quyết định nghỉ chạy xe từ tuần sau.
Từ ngày 22/10, Hà Nội cho phép xe khách liên tỉnh hoạt động bình thường, hành khách không phải xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát, lượt xe về bến mỗi ngày chỉ 100, giảm 4 lần so với trước khi có dịch. Trung bình mỗi xe xuất bến chỉ 3-5 khách. “Một số nhà xe vẫn cố duy trì bù lỗ để giữ khách, còn đa số thông báo dừng chuyến”, ông Thành nói.
Chiều 4/11, khu vực nhà chờ bến xe Gia Lâm chỉ lác đác vài người. Đại diện xe khách Hải Âu chuyên tuyến Hà Nội – Hải Phòng cho biết, hãng bắt đầu hoạt động trở lại từ hôm 1/11, mỗi ngày bán được khoảng 20 vé. Không có khách, tần suất xe xuất bến tăng từ 30 phút lên 2 giờ.
Chăm chú nhìn ra cổng bến xe hy vọng có thêm khách, anh Chu Nam Sơn, lái xe tuyến Hà Nội – Yên Bái, nói nhiều ngày rời bến với 2 khách. Nguồn thu từ chở hàng cũng bị ảnh hưởng khi xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, nơi có chợ vải lớn nhất miền Bắc, tạm bị phong tỏa để truy vết, dập dịch Covid-19.
“Tôi chạy xe gần 10 ngày nay, ngày nào may mắn thì hòa vốn, nếu lãi chỉ khoảng 200.000 đồng/chuyến”, anh Sơn nói và cho biết đang tính dừng chạy xe chờ tới khi dịch ổn định. Hiện để giảm chi phí, anh không thuê phụ xe.
Ông Nguyễn Đức Vui, Giám đốc bến xe Gia Lâm, cho hay lượng xe đăng ký tại bến giảm rất nhiều so với thời điểm trước dịch, còn 100 lượt/ngày. Nguyên nhân một phần là nhiều tỉnh như Bắc Giang, Hà Giang tạm dừng vận tải liên tỉnh.
Tương tự, tình trạng xe xuất bến vắng khách, bỏ chuyến cũng xảy ra tại các bến như Mỹ Đình, Nước Ngầm và Yên Nghĩa.
Tại ga Hà Nội, sau tuần đầu nhộn nhịp, lượng khách đi tàu bắt đầu giảm. Trong buổi sáng 4/11, chỉ có vài hành khách ngồi chờ tàu. Khu vực bán vé, nhân viên ngồi tán gẫu. “Mỗi ngày bán chỉ được khoảng 50 vé”, một nhân viên chia sẻ.
Bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng vận tải đường sắt (Công ty CP Vận tải hành khách Hà Nội), cho biết so với thời gian đầu hoạt động trở lại, lượng khách giảm một nửa. Ngành đường sắt phải dừng đôi tàu khách Bắc Nam SE3/SE4 từ ngày 3/11, tàu NA1/2 trên tuyến Hà Nội – Vinh từ ngày 1/11.
Ga Long Biên là điểm sáng hiếm hoi của ngành đường sắt. Các chuyến tàu đi Hà Nội – Hải Phòng có lượng khách ổn định. “Trung bình mỗi ngày ga đón khoảng 60 hành khách từ Hải Phòng đến, cá biệt có ngày có hơn 100”, ông Bùi Văn Sơn, Trạm trưởng Long Biên cho biết.
Trước đó từ ngày 21 đến 27/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện 98 chuyến tàu, vận chuyển được hơn 23.400 lượt khách. Nguyên nhân lượng hành khách đi tàu sụt giảm được cho là hàng không và vận tải hành khách liên tỉnh được phép hoạt động trở lại.
Sau giai đoạn thí điểm, ngành hàng không đã mở lại toàn bộ đường bay nội địa. Tại sân bay Nội Bài, lượng khách đi và đến tăng dần từng ngày. Mỗi ngày gần đây sân bay có 182 chuyến, hơn 8.200 lượt khách, trong khi tuần trước chỉ đón 165 chuyến và hơn 5.000 khách.
Tính trong 7 ngày qua, sân bay Nội Bài đã đón 638 chuyến, tăng 37% so với tuần trước, với 53.320 hành khách, tăng 63%. Trong đó, khách nội địa đến Hà Nội chiếm khoảng 30-55% so với khách đi.
Đại diện Vietnam Airlines cho hay, hệ số sử dụng chỗ trung bình các chặng đạt 40-50%, riêng chặng Hà Nội – TP HCM luôn 80-95%. Tỷ lệ này được duy trì từ giai đoạn thí điểm do nhu cầu đi lại giữa hai thành phố lớn nhất cả nước cao, trong khi số chuyến bay còn hạn chế, chỉ 6 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
“Tháng 11 là dịp thấp điểm của ngành hàng không, nhất là dịch bệnh vẫn còn nóng ở một số địa phương nên nhiều đường bay ngách vắng khách. Song hãng vẫn phải duy trì chuyến bay để phục vụ khách”, đại diện Vietnam Airlines nói.
Tất Định – Phạm Chiểu – Đoàn Loan
Nguồn: Vnexpress
Link bài viết gốc