Theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch – nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, người Việt vốn rất tín tâm vì thế mới có câu: “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Đặc biệt, trong dịp
Tết Nguyên đán, người dân thường kiêng kỵ rất nhiều điều để tránh xui xẻo và mang lại vận may trong những ngày đầu của năm mới.
Dưới đây là một số điều kiêng kỵ người dân vẫn truyền tai nhau trong ngày Tết:
Vay mượn hoặc trả nợ đầu năm
Người dân kiêng vay, trả nợ vào những ngày đầu năm mới. Ảnh minh họa: Infonet.
Điều kiêng kị này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân mở cửa để đón lộc vào nhà. Nếu cho ai đó vay mượn tiền bạc, đồ đạc trong những ngày đầu năm thì cả năm đó gia đình sẽ rơi vào cảnh túng thiếu. Ngược lại, nếu trả nợ sẽ giống như dâng tài lộc vào tay người khác.
Quét nhà, đổ rác
Kiêng quét nhà, đổ rác là điều dễ thấy ở nhiều gia đình người Việt trong dịp Tết. Theo quan niệm xưa, quét nhà, đổ rác ngày đầu năm sẽ đuổi Thần Tài ra khỏi nhà, từ đó tiền tài không thể tới với gia đình. Nếu có quét nhà, rác cũng phải để ở một góc nhà và không được hốt rác đổ đi.
Quét nhà, đổ rác ngày đầu năm sẽ đuổi Thần Tài ra khỏi nhà. Ảnh minh họa.
Tranh cãi, bất hòa
Trong những ngày đầu năm, mọi người thường cố gắng giữ hòa khí, không tranh cãi, không quát mắng… dù sự việc có khó chịu như thế nào. Mục đích của việc nhường nhịn nhau là để có một năm mới luôn vui vẻ, hạnh phúc, êm ấm.
Cho lửa, nước đầu năm
Cho lửa đầu nằm khiến gia đình có nguy cơ gặp nhiều điều xui xẻo.
Lửa có màu vàng, màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn. Vì vậy, người dân quan niệm, cho lửa ngày đầu năm tức là cho đi vận may, khiến gia đình có nguy cơ gặp nhiều điều xui xẻo, tai vạ trong năm đó.
Trong khi đó, nước lại tượng trưng cho sự sinh sôi và được ví là nguồn tài lộc của muôn nhà. Trước khi bước sang năm mới, nhà nào cũng lo đổ nước đầy bể, dự trữ nước đủ cho sinh hoạt trong những ngày Tết.
Sử dụng kim chỉ
Việc may vá trong năm mới sẽ khiến gia chủ vất vả, khổ sở, chịu cảnh thiếu trước hụt sau trong năm đó. Nhiều người còn quan niệm rằng, phụ nữ có thai đụng tới kim chỉ trong ngày mồng 1 Tết sau này mắt con sẽ bị dẹt như cây kim.
Kiêng ăn cháo và một số món “đen đủi”
Người dân thường không ăn cháo mà ăn cơm trong ngày Tết. Ảnh minh họa: Người đưa tin.
Người dân quan niệm, chỉ có những gia đình nghèo khổ mới phải ăn cháo. Do đó, ngày mồng 1 Tết, các gia đình thường không ăn cháo mà nấu cơm ăn. Bên cạnh đó, sáng ngày đầu năm, muôn thần sẽ tề tựu, việc ăn cơm nóng cũng thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và các vị thần linh.
Trong những ngày đầu năm, người Việt thường không ăn thịt vịt, thịt chó, cá mè, mực, ốc,… vì theo quan niệm dân gian, những món ăn này sẽ mang tới điềm xấu, đen đủi. Ngoài ra, một số vùng còn không ăn tôm vì sợ đi giật lùi như tôm, từ đó công việc sang năm sẽ lùi chứ không tiến.
Ngủ “nướng” ngày Tết
Dân gian cho rằng, nếu bạn ngủ vào ban ngày trong những ngày đầu năm mới thì bạn sẽ lười biếng cả năm đó. Hơn nữa, ngày Tết sẽ có nhiều người tới chơi nhà, chúc Tết, nếu bạn ngủ sẽ rất thiếu tôn trọng khách.
Làm rơi vỡ đồ dùng gia đình
Gương, bát, đĩa, ly… là những vật dụng rất dễ vỡ. Trong khi đó, dân gian vẫn luôn có quan niệm tránh làm rơi vỡ đồ dùng vào những ngày đầu năm. Điều đó sẽ khiến gia đình không gặp được điều cát lành. Không chỉ vậy, rơi vỡ đồ còn báo hiệu sự chia lìa, đổ vỡ của gia đình.
Mặc đồ màu đen trắng
Màu đen trắng tượng trưng cho điều xui xẻo nên người dân kiêng mặc dịp Tết. Ảnh minh họa.
Màu đen và trắng tượng trưng cho sự tang tóc, điều xui xẻo. Do đó, vào ngày Tết mọi người thường tránh mặc quần áo màu đen hoặc trắng. Thay vào đó, họ thường mặc những bộ quần áo mới với nhiều màu sắc sặc sỡ như đỏ, vàng, mong muốn một năm mới gặp nhiều may mắn, vui vẻ.
Đóng cửa nhà
Đóng cửa nhà ngày Tết sẽ khiến gia đình nghèo đói, túng thiếu, trừ khi đi chúc Tết, thăm hỏi. Bởi theo tín ngưỡng dân gian, từ sớm mồng 1 đến trước ngày rằm tháng Giêng, Ngọc Hoàng cùng chư vị thần tiên sẽ giáng phàm du lý từng nhà, nếu đóng kín cửa, các vị coi như sự bất kính mà giận dỗi bỏ đi và cả năm, thậm chí nhiều năm sau gia đình sẽ không được hưởng phúc.
Người có tang không đi chúc Tết
Vì Tết là ngày vui của mọi nhà, vì vậy những gia đình có tang sẽ được cất khăn tang trong vòng 3 ngày.
Trong ngày mùng 1 Tết, họ cũng kiêng đi chúc Tết, xông đất các nhà khác. Bởi theo quan niệm của người xưa, người có tang đi chúc Tết sẽ khiến chủ nhà gặp xui xẻo cả năm.
Nếu có người mất vào ngày mùng 1 Tết, gia đình sẽ chưa phát tang vội mà phải đợi tới sáng mồng 2. Nếu có người mất vào ngày 30 tháng Chạp thì gia đình nên chôn cất ngay trong ngày đó.
Nói những điều xui xẻo
Những phát ngôn đầu năm sẽ có ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, bạn đừng nên nói những từ xui xẻo như “chết mất” hay “tiêu rồi”, “hỏng rồi”… Đó là những từ không may mắn, thay vào đó bạn nên nói chuyện với mọi người bằng những từ ngữ dễ chịu, vui vẻ và những câu mang lại may mắn không chỉ cho bản thân mà cho cả người xung quanh mình.
Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/nhung-dieu-kieng-ky-trong-tet-xua-gio-nghe-da-thay-toat-mo-hoi-1049534…
http://www.facebook.com/pagevietnamanhhung/