Ngày 6 tháng 6 năm 1931, cảnh sát Anh ở Hồng Kông bí mật bắt Tống Văn Sơ tức Nguyễn Ái Quốc. Chính quyền Pháp mừng rỡ trước kết quả này và bắt đầu mở cuộc vận động chính quyền Hồng Kông, sau đó là vận động chính quyền Anh ở Luân Đôn giao Tống Văn Sơ cho Pháp.
Tống Văn Sơ được giam tại nhà tù ở Victoria, thủ phủ của Hồng Kông. Nhà giam có ba tầng, mỗi tầng hai dãy xà lim… Bề cao 3 thước tây, bề ngang hơn 1 thước, bề dọc không đầy hai thước… Chỉ vừa một người nằm xiên xiên. Cao chót vót trên đầu tường chỉ có một của sổ nhỏ hình nửa mặt trăng, xung quanh bịt song sắt và lưới sắt bưng bít. Cửa xà lim bằng ván gỗ dày độ một gang tay và bọc sắt
Khi biết tin Tống Văn Sơ bị bắt, đồng chí Hồ Tùng Mậu qua Liên đoàn Quốc tế cứu tế đỏ và đến gặp luật sư Losebi (Francis Henry Loseby), một luật sư tiến bộ người Anh ở Hồng Kông nhờ giúp đỡ.
Việc bắt lén người trái luật đã bị bại lộ khi báo chí đồng loạt đưa tin những sự kiện Tống Văn Sơ bị bắt. Và để hợp pháp hóa việc bắt giữ, Thống đốc Hồng Kông đã phải ra lệnh bắt giam Tống Văn Sơ nhiều lần, khi đó sở cảnh sát Hồng Kông buộc phải đồng ý để luật sư vào gặp Tống Văn Sơ vào ngày 26 tháng 6 năm 1931.
Nguyễn Ái Quốc đã kể cho luật sư Losebi biết về việc mình bị bắt. Luật sư tìm cách bào chữa cho Tống Văn Sơ và kịp thời ngăn chặn âm mưu của chính quyền Hồng Kông giao nộp Tống Văn Sơ cho chính quyền Pháp. Qua ba đợt thẩm vấn và chín phiên tòa xét xử bọn chúng buộc phải trả tự do cho Người. Nhờ vợ chồng ông bà luật sư Losebi sắp xếp cải trang cho Người thành một thương nhân giàu có nên rời khỏi Hồng Kông an toàn tới Thượng Hải rồi sang Liên Xô.
Ảnh: Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc) ở Hồng Kông năm 1931.