Theo bảo tàng này, sau chiến thắng 30-4-1975, nghệ sĩ Lâm Hồng Long cùng các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam và đoàn cán bộ chính quyền cách mạng chờ đón 35 chiến sĩ tử tù từ Côn Đảo trở về đất liền, trong số chiến sĩ tử tù đó có anh Lê Văn Thức.
Người thanh niên trong bức ảnh này là ông Lê Văn Thức – một người tử tù – một đảng viên cộng sản nằm vùng trong Quân lực Việt Nam Cộng hoà.
Ông đã leo lên chức vụ thiếu uý trong quân đội Sài Gòn và cung cấp nhiều tin tức quân sự có ích cho tổ chức. Trong một lần làm nhiệm vụ tình báo ông đã bị lộ. Ngay sau đó, ông Thức bị kết án tử hình.
Lúc phán xong án tử hình, phía Sài Gòn dán ảnh ông Thức khắp bến phà Rạch Miễu và Mỹ Tho để rêu rao! Một buổi, mẹ ông đi chợ, có người cho bà hay: “Thím Năm, tụi nó xử tử hình anh Năm Thức rồi”! Hay tin, gánh lá chuối trên vai người mẹ rơi xuống. Bà chạy băng ra bến phà Rạch Miễu. Con phà vừa rời bến, cánh tay bé nhỏ ngoắc chiếc phà và tiếng thét thảm thiết của người mẹ trong giây phút phân ly với con mình như vỡ vụn cả không gian, làm lay động tâm can viên tài công. Và, con phà đã quay lại – một việc rất hiếm khi – để cho người mẹ có thể nhìn con lần cuối!
Tuy nhiên, đúng là sống chết có số, tươi héo bởi trời, ngay trước giờ ra pháp trường, phía Mỹ đã đề xuất tạm đình chỉ thi hành án tử hình với ông để sau này có thể trao đổi ông với một số phi công Mỹ bị ta bắt giữ, do đó ông may mắn thoát chết. Ông được chuyển ra nhà tù Côn Đảo và bị quân đội Việt Nam Cộng Hòa tra tấn từ năm 1968 đến 1975.
Sau ngày 30/4/1975, ông cùng bạn tù chính trị phá ngục vượt biển trở về đất liền. Và bức hình này được chụp khi ông và mẹ gặp lại nhau sau 7 năm xa cách. Khi nhìn thấy ông, người mẹ già trong hình dáng khắc khổ khóc nấc thành tiếng ôm chầm lấy người con trai duy nhất của bà và nói: “Thức! Má tưởng con chết rồi…”.