(GLO)- Ngày 17-3-1975, tỉnh Gia Lai hoàn toàn giải phóng. Đây là thành quả của 21 năm chiến đấu đầy hy sinh, thử thách của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà cùng với quân và dân cả nước đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất của thực dân, đế quốc.
Đầu tháng 3-1975, trước tình hình biến chuyển rất nhanh, nhất là sau khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn (ngày 4-3), đặc biệt sau khi ta tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột (ngày 10-3), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai chuyển trọng tâm chỉ đạo của tỉnh tập trung toàn lực cho việc chiến đấu để giải phóng và tiếp quản thị xã Pleiku.
Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên giao, các lực lượng vũ trang Gia Lai triển khai áp sát quanh ven thị xã Pleiku, các quận lỵ và trên các trục giao thông chiến lược. Các đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh và các huyện phối hợp với bộ đội chủ lực bám đường 19 từ đèo Mang Yang đến Đông thị xã Pleiku, khu vực Đông và Tây đường 14 đoạn từ Nam thị xã Pleiku đến Mỹ Thạch. Ta bố trí hỏa lực cối 82 khống chế các sân bay Cù Hanh, Area. Các huyện ven Pleiku huy động hàng ngàn dân công đi làm đường hướng về hai thị xã Pleiku và Kon Tum. Các lực lượng ta tổ chức một số trận địa pháo nghi binh hướng về thị xã và phao tin ta chuẩn bị đánh chiếm Pleiku. Kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy phá ấp, giải phóng dân của các khu vực, các huyện, quanh các quận lỵ đã được Thường vụ Tỉnh ủy thông qua.
Ngày 4-3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Ta tập trung thực hiện đòn tiến công chia cắt chiến lược trên đường 19, đường 14, tiêu diệt các cứ điểm, chiếm giữ các lô cốt địch trên dọc đường, tạo thế bao vây, cô lập địch ở một số quận như An Túc (An Khê) làm địch hoang mang, lúng túng. Các hoạt động của lực lượng ta những ngày đầu tháng 3 nhằm tạo thế chia cắt chiến dịch, cơ bản được thực hiện. Các con đường huyết mạch từ các tỉnh duyên hải miền Trung lên Tây Nguyên bị cắt nhiều đoạn, cộng với quốc lộ 14, 21 ở phía Nam cũng bị ta chia cắt. Các lực lượng địch ở Tây Nguyên và cơ quan Tư lệnh Quân đoàn II ngụy bị hãm vào thế cô lập. Chúng bị cắt thành hai cụm Bắc và Nam, không chi viện ứng cứu được cho nhau bằng đường bộ.
Đến lúc này, cơ quan CIA Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu ngụy vẫn khẳng định hướng đối phó chính của chúng là thị xã Pleiku và thị xã Kon Tum. Ý định kìm giữ quân chủ lực ngụy, thu hút chúng dồn về phòng thủ Pleiku và Kon Tum, tạo thuận lợi cho hướng trọng điểm chủ yếu của chiến dịch phía Nam Tây Nguyên cơ bản đã đạt được. Đây là kết quả bước đầu về lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chiến dịch của Đảng bộ và sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang Gia Lai.
Đến 11 giờ ngày 10-3, cờ chiến thắng của quân và dân ta phấp phới tung bay trên toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đẩy ngụy quân, ngụy quyền đến tình trạng tan rã nhanh chóng, mở đầu bước suy sụp mới toàn diện, khiến chúng không gượng dậy được.
Phối hợp nhịp nhàng với mặt trận Buôn Ma Thuột, các lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai đồng loạt tiến công vào các khu dồn, ấp chiến lược. Bộ đội và du kích các huyện tổ chức tiến công tiêu diệt chốt bảo an, đột nhập vào các ấp chiến lược bắt giáo dục tề, giải tán dân vệ, thu toàn bộ vũ khí, giải phóng dân nhiều vùng trong tỉnh. Toàn tỉnh nổi lên phong trào phá ấp chiến lược, đánh rã hệ thống quân địa phương, phá rã toàn bộ bộ máy tề kìm kẹp xã, thôn, giải phóng đại bộ phận nông thôn. Thời điểm đó, trong nội thị Pleiku, cơ sở hợp pháp của ta giữ vững dây liên lạc với cán bộ, kịp thời báo cáo tình hình địch và người dân trong nội thị. Nhân dân phấn khởi, bàn tán công khai chiến thắng của cách mạng.
Bị choáng váng và hãi hùng sau thất bại Buôn Ma Thuột, ngày 14-3, một số lãnh đạo chính quyền và quân đội Sài Gòn họp kín ở Cam Ranh bàn kế hoạch rút bỏ Pleiku và Kon Tum theo đường số 7. Trong đêm 14 ngày 15-3, số sĩ quan cấp cao của quân ngụy tháo chạy trước. Sáng chủ nhật (ngày 16-3), quân ngụy mới ra lệnh cho binh lính rút khỏi thị xã. Trên các đường ở thị xã Pleiku, xe nhà binh chạy hỗn loạn, náo động. Chúng cho máy bay quân sự bắn phá dọn đường và bắt đầu rút các đơn vị chủ lực còn lại ở Kon Tum, Pleiku về đồng bằng ven biển theo đường số 7.
19 giờ ngày 16-3, đồng chí Văn Tiến Dũng đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên nhanh chóng điều động các đơn vị bộ đội chủ lực, phối hợp với toàn bộ lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích các huyện dọc đường số 7 của Nam Gia Lai vào trận truy kích địch.
Trưa 17-3, các đồng chí lãnh đạo Ban Cán sự thị xã, Trung đoàn 95A, Tiểu đoàn 29 của Sư đoàn 968 chia làm nhiều cánh, nhiều mũi vào tiếp quản thị xã Pleiku. Thị xã trong cảnh đổ nát, nghi ngút mấy đám cháy lớn ở khu vực chợ Mới, trung tâm thị xã, do lính ngụy rút chạy đốt phá nhà dân. Ngày 18-3, Ban Quân quản của tỉnh Gia Lai được thành lập, do đồng chí Ksor Ní-Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch. Các đồng chí Lê An-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95A, đồng chí Đặng Ngọc Bân-Bí thư Ban Cán sự thị xã Pleiku làm Phó Chủ tịch và 5 thành viên khác.
Ban Quân quản đề ra một số nhiệm vụ cấp bách: thành lập các ban tự quản ở các ấp, gấp rút tổ chức phương tiện và cán bộ đi vận động đưa Nhân dân thị xã bị địch cưỡng ép đi di tản trở về; tổ chức cứu đói cho dân; thu giữ hồ sơ địch để lại, quản lý các cơ quan, công sở, các kho lương thực, thực phẩm, đưa cán bộ xuống cơ sở… Ngày 21-3, Nhân dân thị xã tổ chức cuộc mít tinh lớn chào mừng chiến thắng, mừng thị xã được giải phóng và ra mắt Ủy ban Quân quản.
Cùng với đó, Đảng bộ, Ủy ban Quân quản tỉnh tập trung mọi nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trước mắt, động viên toàn lực, phát huy chiến thắng to lớn đã giành được, nhanh chóng truy quét tàn quân, ổn định tình hình trên các địa bàn từ thị xã Pleiku, thị trấn An Khê, Phú Bổn đến vùng nông thôn, dọc biên giới. Đồng thời, huy động các phương tiện đưa số dân di tản trở về, tổ chức cứu đói, cứu đau, thiết lập và củng cố chính quyền từ cơ sở xã, thôn. Tổ chức quản lý các cơ sở, tài sản, hồ sơ do địch để lại; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huy động cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của cả nước giành thắng lợi hoàn toàn.
Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân Gia Lai phối hợp cùng quân chủ lực Tây Nguyên giải phóng tỉnh nhà đã diễn ra mau chóng, giành thắng lợi to lớn và trọn vẹn. Thắng lợi của Gia Lai cùng các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần thúc đẩy sự suy sụp nhanh chóng của ngụy quân, ngụy quyền, tạo thuận lợi để quân và dân ta tấn công, nổi dậy giải phóng các tỉnh đồng bằng miền Trung, Đông Nam Bộ, giải phóng Sài Gòn-Gia Định ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nguồn: TỐNG THỚI MỐC