Sau gần tháng rưỡi chi viện, nhiều đơn vị quân đội dần rút lực lượng khi nhiều quận, huyện kiểm soát được dịch, bước vào giai đoạn “bình thường mới”.
Tối 6/10, UBND quận Bình Tân tổ chức tri ân và chia tay bộ đội từ Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) sau thời gian hỗ trợ địa phương chống dịch. Sáng nay, gần 200 chiến sĩ tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho người dân hơn một tháng qua sẽ trở về đơn vị ở huyện Long Thành, Đồng Nai.
Sắp xếp đồ đạc chuẩn bị hành quân về đơn vị, trung sĩ Lê Công Hậu, Tiểu đoàn 17 (Sư đoàn 9) thấy bồi hồi trước khi rời TP HCM. Thời gian đầu làm nhiệm vụ, anh Hậu gặp không ít khó khăn khi mỗi ngày vác hàng tấn gạo từ sáng đến tối muộn để phân phát cho bà con. Tuy nhiên mỗi khi nghĩ người dân địa phương mong ngóng hỗ trợ khiến anh cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Phó chủ tịch quận Bình Tân Nguyễn Thị Ngọc Dung, 560 quân nhân chi viện đã hỗ trợ 10 phường ở địa bàn phát hơn 242.000 túi an sinh cho người dân, chăm sóc hơn 20.000 F0 tại nhà trong cao điểm chống dịch. “Chính sự tận tình của quân nhân đã góp công lớn giúp quận kiểm soát được dịch bệnh”, bà Dung nói khi tri ân lực lượng chi viện.
Cách đó 15 km, UBND phường 1, quận Bình Thạnh tặng những chiếc khăn rằn cho gần 50 chiến sĩ Sư đoàn 5 để tri ân khoảng thời gian giúp địa phương từ lúc “vùng đỏ” đến khi chuyển “vùng xanh”. Hơn một tháng qua, 780 quân nhân đã hỗ trợ quận từ trực chốt kiểm soát, cung cấp thức ăn cho đến vận hành 47 trạm y tế khám, chữa bệnh cho F0 tại nhà.
Hôm 5/10, khoảng 1/4 số quân nhân hỗ trợ tại quận Gò Vấp trở về đơn vị. Theo lãnh đạo Ban chỉ huy quân sự quận, nơi này vẫn còn giữ gần 1.000 bộ đội để phân phát hơn 1.300 tấn gạo từ kho dự trữ quốc gia, gói an sinh thứ 3 cho người dân. Lực lượng sẽ rời địa phương khi công tác này hoàn thành.
Còn tại TP Thủ Đức, khoảng 1.600 chiến sĩ chi viện từ 4 đơn vị gồm Sư đoàn 5, Học viện Quân y, Cao đẳng Hải quân, Trung đoàn Gia Định dự kiến rút dần để tạm cách ly trước khi trở về đơn vị. “Việc rút quân diễn ra từ từ tuỳ tình hình kiểm soát dịch của địa phương”, đại tá Nguyễn Thanh Phong, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự TP Thủ Đức, nói. Theo ông Phong, trong quá trình làm nhiệm vụ, khoảng 20 quân nhân bị nhiễm Covid-19 song đã khỏi bệnh.
Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó chính uỷ Bộ tư lệnh TP HCM cho hay các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sẽ rút quân trước, còn các đơn vị thuộc Quân khu 7 sẽ rút quân từ đây cho đến ngày 15/10. Bộ đội sẽ rút lực lượng ở nơi đã kiểm soát dịch, còn khu vực nào chưa sẽ điều chỉnh quân số cho phù hợp. Riêng lực lượng quân y dự kiến duy trì đến hết tháng 11.
Trong cao điểm đợt dịch thứ 4, quân đội đã huy động 34.000 quân nhân, hơn 98.000 dân quân tự vệ cùng 2.000 y bác sĩ và học viên quân y chia làm 5 mũi đồng hành với TP HCM chống dịch từ 23/8.
Trong đó, quân y đã tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại 6 bệnh viện và cơ sở dã chiến. Lực lượng này cũng triển khai 530 tổ quân y cơ động với 1.590 người làm nhiệm vụ chăm sóc, tư vấn sức khỏe, cấp cứu, chuyển viện cho F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng.
Bộ đội và dân quân tự vệ còn tham gia canh trực các chốt kiểm soát, giữ gìn trật tự, duy trì quy định phòng dịch; thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an sinh, giúp dân tại khu phong tỏa, cách ly; vận chuyển hàng hóa cứu trợ người khó khăn, yếu thế…
Ngoài ra, hơn 400 quân nhân được chia thành 33 đội trên các quận, huyện, TP Thủ Đức lo hậu sự, tiếp nhận, tạm thờ cúng, chuyển tro cốt người tử vong vì Covid-19 đến từng gia đình với tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”.
Sau khi trải qua hơn 120 ngày giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau, TP HCM bắt đầu “mở cửa” từ ngày 1/10. Đợt dịch thứ tư bùng phát từ 26/5, đến nay thành phố ghi nhận khoảng 400.000 ca nhiễm (gần 50% ca nhiễm cả nước) với hơn 15.300 ca tử vong.
Đình Văn- Hà An
Nguồn: Vnexpress
Link bài viết gốc