[ad_1]
Bị nợ đóng bảo hiểm xã hội 9 tháng có được hưởng hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp không?
Chị Nguyễn Thị Liên (40 tuổi) làm công nhân trong Công ty may ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) gửi câu hỏi?
Tôi đi làm và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được 15 năm nay. Từ tháng 5/2021, công ty khó khăn nên cho công nhân tạm ngừng việc không hưởng lương. Công ty cũng tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động từ 1/1/2021 vì tình hình kinh tế khó khăn. Từ thời điểm ngừng việc tới nay, tôi chưa đi làm ở nơi khác, sống tại quê nhà ở Hà Nam.
Vậy xin hỏi, khi đang nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp, tôi có được nhận gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp hay không? Tôi cần liên hệ với đơn vị nào để được hỗ trợ? Nếu được hỗ trợ thì mức hỗ trợ tôi được nhận là bao nhiêu?
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trả lời về việc hỗ trợ lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp như sau:
Theo quy định, lao động bị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn được hưởng gói hỗ trợ. Mức hỗ trợ dựa trên số tháng, năm thực tế lao động đó có đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Ví dụ, trong trường hợp của chị Liên, chị đã tham gia bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm thất nghiệp được 15 năm. Trong đó, chị bị công ty nợ đóng 1 năm. Vậy thời gian thực tế, chị đóng bảo hiểm thất nghiệp là 14 năm (168 tháng).
Người lao động cần chuẩn bị sổ BHXH để kiểm tra thời gian đóng hoặc truy cập qua ứng dụng VssID để tra cứu. Ngoài ra, lao động có thể tra cứu qua dịch vụ tin nhắn tra cứu qua Tổng đài 8079, soạn tin nhắn theo cú pháp: BH QT mã số BHXH gửi 8079. (Mã số BHXH là mã số trên sổ BHXH hoặc 10 số cuối trên thẻ BHYT của NLĐ); Gọi Tổng đài Tư vấn và chăm sóc khách hàng của BHXH Việt Nam: 19009068. Bên cạnh đó, lao động chuẩn bị chứng minh thư nhân dân, tài khoản để nhận tiền hỗ trợ, nếu có.
Nghị quyết 116/NQ-CP quy định 6 mức hỗ trợ với lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tùy số năm thực tế lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, Nghị quyết 116/NQ-CP quy định “Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: hỗ trợ 3.300.000 đồng/người”. Như vậy, chị tham gia bảo hiểm thất nghiệp 168 tháng thì chị sẽ được nhận mức hỗ trợ tối đa là 3,3 triệu đồng/người/1 lần.
Về thủ tục hưởng, Quyết định 28 hướng dẫn thủ tục triển khai thực hiện Nghị quyết 116 hỗ trợ lao động và doanh nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp có quy định cụ thể.
Theo đó, bảo hiểm xã hội quận, huyện, tỉnh, thành phố sẽ là đơn vị lập danh sách. Theo danh sách này, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đối chiếu với dữ liệu bảo hiểm thất nghiệp người lao động đang bảo lưu để chi trả tiền hỗ trợ cho từng người qua tài khoản, không chi trả qua doanh nghiệp.
Trước khi chi trả, bảo hiểm xã hội sẽ gửi danh sách về cho công ty để công ty đối chiếu, xem xét, bổ sung, giám sát. Giải pháp này ưu tiên áp dụng với tất cả khu vực, đặc biệt các địa phương đang giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Với nhóm người lao động đang nghỉ việc, tạm hoãn việc ở tại địa phương không được doanh nghiệp thống kê thì có thể tới trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận/huyện ở bất kể đâu gần nhất, không phân biệt địa giới hành chính để đăng ký nhận hỗ trợ.
Người lao động cung cấp số bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cung cấp tờ khai kèm trích lục thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đang bảo lưu, người lao động rà soát, ký xác nhận và cơ quan bảo hiểm xã hội nơi gần nhất sẽ giải quyết chi hỗ trợ ngay. Người lao động có thể nhận tiền mặt hoặc qua tài khoản cá nhân, trong đó ưu tiên chi trả qua tài khoản.
Như vậy, trường hợp của chị Liên, chị có thể qua BHXH quận, huyện nơi chị sinh sống để cán bộ bảo hiểm xã hội hướng dẫn thủ tục đăng ký hưởng hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Trong vòng 20 ngày kể từ ngày làm thủ tục chị có thể nhận tiền hỗ trợ trực tiếp tại bảo hiểm xã hội hoặc nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản.
Nguồn: Báo Dân Việt
Xem Bài viết gốc