[ad_1]
Lao động kêu lãng phí thời gian, kinh phí học thi tiếng Hàn
Chiều 7/11, Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa ra thông báo khẩn với nội dung không cho lao động 3 huyện là: Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa đăng ký dự thi tiếng Hàn năm 2021 theo chương trình EPS với lý do vì đây là 3 huyện có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao. Thông báo này được công bố lúc 16 giờ ngày 7/11, trong khi đó, thời gian bắt đầu tiếp nhận hồ sơ thí sinh dự thi là sáng 8/11.
Nội dung thông báo nêu rõ: “Thời gian qua, Bộ LĐTBXH Việt Nam đã rất cố gắng đàm phán với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc để tất cả các địa phương trên cả nước được đăng ký dự thi tiếng Hàn. Tuy nhiên, do tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn đang ở mức cao nên Hàn Quốc kiên quyết yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp mạnh tạm dừng các huyện có tỷ lệ bất hợp pháp cao như mọi năm. Phía Hàn Quốc cũng ra thông báo, nếu không cấm sẽ hủy kỳ thi tiếng Hàn năm 2021 tại Việt Nam. Đây là kết quả không ai mong muốn, mong các bạn ở huyện bị cấm hết sức thông cảm và bình tĩnh”.
Thông báo cũng cho biết, riêng các bạn ở huyện cấm nhưng về nước đúng hạn, bất hợp pháp về trong thời gian ân xá và tất cả phải cư trú ở Hàn Quốc dưới 5 năm vẫn được đăng ký dự thi.
Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS) là chương trình được thực hiện giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là chương trình lao động giá rẻ, đã được triển khai trong suốt 18 năm nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho lao động các quốc gia phái cử.
Lao động Nguyễn Thị Hiền (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bức xúc: “Đang lúc dịch bệnh khó khăn cấm thì cấm luôn từ đầu, đằng này tới ngày nộp hồ sơ mới thông báo. Mình đã phải mất 7 tháng học hành ôn luyện, tốn hơn chục triệu đồng. Nghe thông tin quá buồn, quá bức xúc”.
Lao động Vũ Hoàng (Đông Sơn, Thanh Hóa) cũng tỏ ra chán nản. Hoàng đang làm xây dựng nhưng công việc thu nhập thấp, vì thế anh bỏ việc quyết tâm dành hẳn 1 năm trời đi học tiếng Hàn nuôi ước mơ sang Hàn Quốc. Để có tiền đi học, chuẩn bị cho kế hoạch xuất cảnh, Hoàng đã vay mượn hơn 20 triệu đồng. Nghĩ đến cảnh học hành vất vả, tốn kém giờ lại không được đăng ký thi anh quá buồn rầu. “Chưa nói thi trúng hay trượt nhưng việc bị loại ngay ‘vòng gửi xe’ thế này khiến mình không biết phải nói với bố mẹ thế nào”, anh Hoàng chia sẻ.
Đáng nói, không riêng gì lao động ở 3 huyện của Thanh Hóa, 7 huyện, thành phố khác thuộc 4 tỉnh của Việt Nam là: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Quảng Bình có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc cũng không được nộp hồ sơ thi tiếng Hàn.
Sẽ có văn bản thông báo chính thức tới lao động
Chiều 8/11, trao đổi với PV báo Dân Việt, đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết ngay khi có thông tin thay đổi điều kiện nộp hồ sơ của phía bạn, Cục đã làm việc với các địa phương ra thông báo khẩn trên các trang thông tin của Sở LĐTBXH cho lao động.
Vị này cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các bên không có dữ liệu để đánh giá tình hình lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp, vì thế trong những lần đàm phán trước cả hai bên không bàn tới nội dung này. Tuy nhiên, mới đây phía Hàn Quốc ra yêu cầu Việt Nam bắt buộc phải dừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn với lao động ở những huyện có tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao như năm 2020.
“Đây là điều chúng tôi không mong muốn, khá đáng tiếc nhưng đành phải chấp nhận. Chúng tôi sẽ sớm có văn bản chính thức gửi các địa phương”, ông này nói.
Điều đáng nói là thông tin tạm dừng không nhận hồ sơ với lao động ở các huyện có tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao chỉ được thông báo trước ngày nộp hồ sơ đăng ký thi đúng 1 ngày. Vì vậy, thông tin này ngay lập tức đã khiến nhiều lao động rất bức xúc.
Theo đó, danh sách các huyện thuộc tỉnh/thành bị tạm dừng xuất khẩu lao động Hàn Quốc 2020 như sau: Nghệ An (huyện Nghi Lộc, TX Cửa Lò, huyện Nam Đàn); Thanh Hóa (huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP Thanh Hoá); Hà Tĩnh (huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh); Thái Bình (huyện Tiền Hải); Quảng Bình (huyện Bố Trạch).
Nguồn: Báo Dân Việt
Xem Bài viết gốc