Hà TĩnhMỗi lúc mưa lớn, nhiều gia đình ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, phải sơ tán sang nhà họ hàng vì lo đất đá từ hai ngọn núi sau nhà sạt xuống.
Chiều 28/10, mưa lớn kéo dài nhiều giờ khiến đường ven biển đoạn qua nhà ông Nguyễn Canh Tuất, 70 tuổi, trú thôn 3, xã Cẩm Lĩnh, ngập 20 cm, nước bùn từ ngọn núi Bục phía sau nhà tràn xuống vườn. Nhận được yêu cầu của chính quyền, vợ chồng ông Tuất vội gom một số vật dụng sinh hoạt cá nhân chuyển ra nhà người thân ở thôn 4 cách đó khoảng 2 km tạm trú.
“Tivi, tủ lạnh, máy giặt muốn mang đi, song không thể vì quá nặng, nếu thuê người vận chuyển thì tốn kém”, ông Tuất nói và cho hay hai năm qua khi mùa mưa lũ về, vợ chồng ông đã quen với việc sơ tán.

Ông Nguyễn Canh Tuấn chỉ về điểm sạt lở núi Bục cách nhà ông 100 m hồi năm ngoái. Ảnh: Đức Hùng
Căn nhà cấp bốn rộng hơn 100 m2 của gia đình ông Tuất nằm cách chân núi Bục khoảng 200 m. Đứng từ sân xi măng nhìn về phía sau, vệt lở núi kéo dài hơn 50 m xảy ra hồi cuối tháng 10/2020 vẫn còn nguyên. Đất cùng nhiều khối đá lớn nằm sát mép vườn của bốn hộ dân đến nay vẫn chưa thể dọn.
“Hôm đó khoảng 11h, tôi đang ăn trưa thì nghe tiếng nổ lớn như sấm, chạy ra xem thấy nhiều khối đất đá từ núi Bục đổ xuống. Tôi cùng vợ hô hoán một số gia đình xung quanh chạy túa ra đường. Nhà ở của người dân không ảnh hưởng, nhưng nhiều hecta keo và cây ăn quả bị bùn vùi lấp”, ông Tuất kể.
Lần gần nhất là rạng sáng 18/10, vạt núi chếch về phía đông, cách nhà ông Tuất gần một km đổ xuống, lấp kín mặt đường ven biển Vũng Áng – Thạch Khê rộng 10 m, dài hơn 400 m. Khi ấy ông Tuất cùng bốn hộ dân ở thôn 3 tiếp tục sơ tán, trưa hôm sau mới trở về nhà. Nhà chức trách mất bốn ngày mới có thể gạt hết hàng nghìn khối đất đá sang một bên để thông tuyến.

Người dân di chuyển khó khăn trên đường ven biển Vũng Áng – Thạch Khê sau vụ sạt lở ngày 18/10/2021. Ảnh: Đức Hùng
Ông Tuất chia sẻ nhiều lúc nằm ngủ, nghe mưa nhỏ rả rích bên ngoài cũng giật mình, lo sợ đất đá tràn xuống vùi lấp nhà mình. Bốn hộ dân sống xung quanh núi đã kiến nghị đến chính quyền mong được tạo điều kiện cấp đất chuyển đi nơi khác ở, song đến nay chưa được giải quyết.
Cách núi Bục khoảng 4 km, hơn 5 ha đất ruộng và hoa màu của người dân thôn 6, xã Cẩm Lĩnh, đang bị vùi lấp bởi hàng chục nghìn khối đất đá từ núi Chai đổ xuống hồi tháng 10/2020. Nhiều khối đá lớn nằm giữa ruộng, lấp cả một phần lối đi vào trang trại nuôi gia súc, gia cầm của hàng chục hộ dân.
Ông Lê Ngọc Thủy, 50 tuổi, trú thôn 6, xã Cẩm Lĩnh, nhớ lại chiều hôm đó mưa xối xả. Gia đình 5 người đang ăn cơm sớm để sơ tán khỏi trang trại về nhà con út trong xã nhằm tránh sự cố thì nghe tiếng nổ lớn, nền đất rung lắc. 5 người vội kéo nhau túa ra ngoài. Trong vài phút, 2 ao cá, 1,5 mẫu ruộng, 2 ha lúa, hơn 100 con gà và vịt bị đất đá từ núi Chai đổ xuống vùi lấp, thiệt hại gần 50 triệu đồng.

Đất đá vùi lấp khoảnh ruộng dưới núi Chai sau vụ sạt lở tháng 10/2020, chính quyền đang tính cho người dân chuyển đổi mục đích sang trồng cây lâu năm vì không thể dọn dẹp. Ảnh: Đức Hùng
Sau vụ lở núi, mỗi khi đài khí tượng báo áp thấp nhiệt đới hoặc mưa kéo dài với lưu lượng lớn, nhiều gia đình làm trang trại dưới chân núi Chai, cách điểm sạt lở 100-300 m luôn lùa gia súc, gia cầm đi đến gửi nhờ tại vườn của một số họ hàng trong xã. Tuy nhiên, nhiều lúc họ không thể di chuyển hết. “Mỗi lần đi sơ tán trong lòng luôn cảm thấy bất an, bởi tài sản trị giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng đang để lại dưới chân núi, phó mặc cho sự may rủi”, ông Thủy nói.
Ông Nguyễn Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, cho biết địa bàn có hơn 50 hộ sống trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở từ núi Bục và núi Chai. Trong số này có bốn gia đình xây nhà ở cố định, còn lại là làm trang trại. “Chính quyền đã lên phương án để thời gian tới chuyển bốn hộ dân ở trong vùng sạt lở đến nơi an toàn. Đối với những gia đình làm trang trại thì chưa có cơ chế hỗ trợ vì chỉ lưu trú tạm thời. Họ cần chuẩn bị sẵn tâm thế, khi thời tiết bất thường xã sẽ phát loa cảnh báo để chủ động di dời tài sản”, ông Tùng nói.
Những điểm sạt lở núi tại xã Cẩm Lĩnh. Video: Đức Hùng
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động đới gió Đông trên cao, từ tối 27/10, Hà Tĩnh mưa to. Tại các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, quốc lộ 1A và nhiều đường liên thôn, liên xã bị ngập 30-60 cm, chia cắt cục bộ, nước tràn vào sân nhà dân.
Đài khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh dự báo, ba ngày tới, địa bàn tiếp tục mưa, phổ biến 150-300 mm, có nơi trên 350 mm; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úp ở khu vực ven sông, đô thị.
Nguồn: Vnexpress
Link bài viết gốc