[ad_1]
Dịch Covid-19 ở TP Phan Thiết khó kiểm soát
Từ ngày 4/10, UBND TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại một số phường ở phía nam thành phố, đồng thời tạm ngừng hoạt động cảng cá Phan Thiết.
Đây là lần thứ 2 TP Phan Thiết áp dụng chỉ thị 16 khi số ca nhiễm Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, lần trước là từ ngày 2/8.
Anh Đỗ Ngọc Trường, công nhân làm việc tại làng nghề nước mắm phường Phú Hài kể, sông Cà Ty chảy ngang qua, phân chia TP Phan Thiết thành 2 khu vực: phía nam và phía bắc.
Cảng cá Phan Thiết nằm tại cửa sông Cà Ty đổ ra biển, kế bên khu vực trung tâm thành phố.
“Nơi đây cư dân đông đúc, nhà cửa liền kề, khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp”, anh Trường nói.
Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận có trụ sở tại phường Bình Hưng, phía bắc sông Cà Ty.
Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết, từ 0h ngày 5/10, cảng cá Phan Thiết đã chính thức đóng cửa để phong tỏa tạm thời.
Trước đó, ngày 3/10, ngư dân đã được UBND TP Phan Thiết thông báo tạm ngừng hoạt động khai thác với phần lớn tàu thuyền của ngư dân.
Theo ông Hoàng, trong phạm vi hội viên thuộc Hội Nông dân tỉnh, các đối tượng lây nhiễm ở TP Phan Thiết chủ yếu là lực lượng ngư dân, và cư dân sống gần cảng biển.
Ngược lại, nông dân sống ở khu vực nông thôn, do nhà này cách nhà kia, vườn này cách vườn kia; nên dễ kiểm soát chuỗi lây nhiễm.
“Tập tục sinh hoạt mang tính cộng đồng cao của ngư dân là một trong những nguyên nhân khiến chuỗi lây nhiễm Covid-19 ở TP Phan Thiết khó kiểm soát”, ông Hoàng nhận định.
Thói quen này đã hình thành từ lâu trong nếp sinh hoạt của ngư dân. Việc giữ khoảng cách an toàn hoặc thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K không dễ dàng.
“Chưa kể một bộ phận cư dân miền biển thường có thói quen la cà, tụ tập. Vì thế, 1 người bị nhiễm là cả làng bị theo”, ông Hoàng nói.
Tăng cường ý thức phòng chống dịch
Ý thức phòng chống dịch và tuân thủ xét nghiệm của nhiều ngư dân cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Theo ông Hoàng, lúc địa phương mới bùng phát dịch, khó tránh khỏi trường hợp các ghe tàu đi từ cảng này cập qua cảng khác rồi mới về cảng Phan Thiết. Nguồn lây nhiễm từ gia đình dễ lan nhanh ra cộng đồng.
Thời gian qua, việc phòng chống dịch ở Phan Thiết luôn phải tăng cường ở mức độ cao vì tính phức tạp của chuỗi lây nhiễm.
Ông Hoàng lấy ví dụ, ngư dân sống tập trung 2 bên bờ sông sông Cà Ty, thường có thói quen di chuyển qua lại bằng thuyền thúng.
Lúc trước, nhiều người lợi dụng đêm tối để chèo thuyền di chuyển trên sông. Việc này dễ gây lây nhiễm dịch từ phường này qua phường khác.
Vì thế, ngoài việc lập chốt kiểm soát trên đường bộ, chính quyền phải tăng cường kiểm soát cả trên biển, trên sông.
Một nguyên nhân khác, theo ông Hoàng, ngư dân, nhất là lao động nghèo thường làm ngày nào ăn ngày đó, ít có thói quen tích trữ, dự phòng.
Khi chính quyền thực hiện cách ly phong tỏa, nhiều người phải lén lút trốn ra ngoài tìm mua thực phẩm.
“Những lý do này khiến khu vực cảng, chợ cá bên trong cảng rất dễ lây nhiễm dịch ra cộng đồng. Các cấp Hội Nông dân vì thế cũng có trách nhiệm phối hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả”, ông Hoàng chia sẻ.
Trước đó, ngày 28/9, Sở Y tế Bình Thuận thông báo phát hiện 48 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày. Riêng TP Phan Thiết phát hiện 42 ca nhiễm mới, đều được xác định lây nhiễm từ chợ cảng cá.
Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm y tế Phan Thiết, tất cả các ca nhiễm mới của thành phố đều nghi ngờ xuất phát từ chợ cá bên trong cảng cá Phan Thiết. Có những ca nhiễm đã lây từ chợ cá bên trong cảng, rồi lây cho các gia đình ở sát nhau.
Hiện tại, các ca nhiễm cộng đồng ở Phan Thiết vẫn khó kiểm soát do chưa rõ nguồn lây.
Theo thống kê của Sở Y tế Bình Thuận, trong ngày 4/10, toàn tỉnh ghi nhận thêm 48 ca nhiễm Covid-19 mới. Riêng TP Phan Thiết có 29 ca, trong đó có 15 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng.
Nguồn: Báo Dân Việt
Xem Bài viết gốc