Được sự chỉ đạo sát sao, trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an Gia Lai đã chủ động, tích cực phối hợp với Công an một số tỉnh, thành phố trên cả nước và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an điều tra làm rõ hoạt động phạm tội của đối tượng Phan Thị Thảo (SN 1957, thường trú tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội; tạm trú tại tổ dân phố 8, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, Gia Lai) cùng 9 đồng phạm về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Từ tha hóa, biến chất đến hành vi phạm tội
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từng theo học và tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, Phan Thị Thảo có nhiều năm công tác tại Công an TP. Hà Nội. Quá trình công tác, do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, Thảo dần xa rời lý tưởng cách mạng, tham vọng quyền lực hão huyền. Mặc dù đã được cơ quan, tổ chức phát hiện, khuyên răn, động viên, giáo dục nhưng Thảo không những không cầu thị mà tỏ rõ thái độ ngoan cố, phớt lờ.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai bắt giữ đối tượng phản động Phan Thị Thảo. Ảnh: T.S |
Tháng 6-1989, Thảo viết đơn xin ra khỏi ngành Công an. Từ đây, Thảo đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” (CPQGVNLT) do Đào Minh Quân cầm đầu và hiện nguyên hình của một kẻ phản bội. Sau khi tình nguyện gia nhập tổ chức phản động “CPQGVNLT” để gây thanh thế và nhận được sự ưu ái, trọng dụng của Đào Minh Quân, Thảo đã thực hiện nhiều bài viết có nội dung phủ nhận thành quả cách mạng, xuyên tạc, bịa đặt kêu gọi lật đổ, loại bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, thay thế chính quyền nhân dân; tuyên truyền gây hoang mang trong quần chúng, xúc phạm, bôi nhọ lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Năm 2016, lợi dụng sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung liên quan đến khu công nghiệp FOMOSA ở huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), Thảo đã viết bài chỉ trích, kích động, tung lên các trang mạng xã hội nhằm mục đích lôi kéo những người cùng tư tưởng phản động tham gia chống phá Đảng, Nhà nước. Từ đó, Thảo đã được một số đối tượng lưu vong là tay chân của Đào Minh Quân kết bạn qua Facebook rồi liên lạc móc nối thực hiện hành vi chống phá.
Các bài viết chống Đảng, Nhà nước của Phan Thị Thảo ngày càng dày thêm với những nội dung bịa đặt, vu khống trắng trợn. Được những kẻ cầm đầu tổ chức phản động hết sức ghi nhận sủng ái, Thảo càng “vươn vòi bạch tuộc” đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để tiếp tục lôi kéo thêm nhiều phần tử khác cùng tham gia.
Được Đào Minh Quân phong hàm “Thiếu tướng”, chức vụ “Viện trưởng Viện Chiêu hiền” của tổ chức “CPQGVNLT”. Có được hư danh, Thảo lập nhiều tài khoản Gmail liên lạc, mở rộng “chân rếtỡng lôi kéo các thành viên khác tham gia vào tổ chức. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Thảo đã đặt nhiều “bí danh”, “bí số”, nhưng tất cả những chiêu trò tinh vi, bỉ ổi trên đều không lọt khỏi tầm ngắm của cơ quan An ninh Công an tỉnh Gia Lai.
Qua khám xét nơi ở của Phan Thị Thảo, Cơ quan An ninh Công an Gia Lai phát hiện, tịch thu nhiều tài liệu liên quan đến hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Ảnh: T.S |
Cũng phải nói thêm rằng, hành vi móc nối với tổ chức phản động thực hiện các bài viết xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của Thảo trước đó cũng đã bị cơ quan An ninh Công an TP. Hà Nội phát hiện và nhiều lần gọi lên làm việc. Được giáo dục, nhắc nhở, bề ngoài Thảo tỏ thái độ hợp tác và cam kết không tái phạm nhưng vẫn ngấm ngầm hoạt động chống phá với nhiều chiêu thức kín đáo, tinh vi hơn, qua đó lôi kéo hình thành nên mạng lưới chân rết với các thành viên rộng khắp của tổ chức phản động này ở trong nước.
Lộ diện nhiều phần tử phản động
Trước sự “hà hơi, tiếp sức” của các đối tượng lưu vong trong tổ chức phản động “CPQGVNLT”, Phan Thị Thảo ngày càng thể hiện rõ bản chất “ngáo” quyền lực. Thông qua các trang mạng xã hội, Thảo đã móc nối với các đối tượng có tư tưởng chống phá Đảng, Nhà nước tại nhiều tỉnh, thành phố. Để che dấu hành vi phạm tội, vào cuối năm 2018, Phan Thị Thảo chuyển vào sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh và tham gia kinh doanh hình thức đa cấp, sau đó Thị móc nối, lôi kéo Trịnh Hoài Mai Khanh (SN 1960, thường trú quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) tham gia tổ chức.
Với những lời lẽ sặc mùi quyền lực, chức vụ và được hưởng một chút lợi ích kinh tế khi tổ chức phản động này đạt được mục đích, từ năm 2019 đến 2020, thông qua ứng dụng Messenger Thảo đã gửi cho Khanh nhiều bài viết tuyên truyền về tổ chức “CPQGVNLT” và thân thế của “thủ lĩnh” Đào Minh Quân. Sau một thời gian được Thảo nhiệt tình “tư vấn”, lôi kéo, Khanh đã đồng ý tham gia tổ chức phản động này.
Với thủ đoạn tương tự, trong 4 năm (từ năm 2018 đến 2021), Thảo đã dụ dỗ, lôi kéo được 8 đối tượng khác cùng tham gia vào tổ chức phản động “CPQGVNLT”. Những đối tượng này được đặt các “bí danh”, “bí số” để liên lạc, trao đổi qua các nhóm kín, địa chỉ Gmail nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
:Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở của đối tượng Trần Thiện, trú tại xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: T.S |
Để huấn luyện cho những phần tử mình gây dựng, Thảo đã chia sẻ nhiều bài viết, đồng thời biên tập, trình duyệt các bài viết từ mạng lưới “chân rết” gửi về có nội dung lừa mị Nhân dân; bài trừ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xúc phạm uy tín, danh dự các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau đó đăng tải lên các trang mạng xã hội.
Ngoài ra, Thảo thường xuyên tổ chức cho các thành viên trong nhóm họp trực tuyến, hình thức kín để tuyên truyền, củng cố niềm tin, truyền đạt, hướng dẫn các “kỹ năng”, chiêu thức ứng phó với cơ quan chức năng.
Nghĩ rằng địa bàn Gia Lai sẽ có nhiều thuận lợi cho việc ẩn mình hoạt động, tháng 6-2020, Thảo đăng ký tạm trú tại tổ dân phố 8 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa). Với vỏ bọc công dân lương thiện, cư trú để dưỡng tâm chữa bệnh tuổi già, Thảo sống đơn độc, khép kín, gần như không quan hệ, giao tiếp với hàng xóm hòng qua mặt cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, với tinh thần an ninh chủ động, Công an huyện Đak Đoa và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Gia Laiđã đưa Thảo vào tầm ngắm, lập kế hoạch nghiệp vụ để đấu tranh. Tương kế, tựu kế, các biện pháp công tác Công an được cơ quan An ninh Công an Gia Lai triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Trên cơ sở thu thập đầy đủ, toàn diện tài liệu chứng cứ trong khoảng thời gian (từ ngày 30-6-2022 đến 13-1-2023), cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với 10 đối tượng, gồm: Phan Thị Thảo; Vũ Đình Lan (SN 1973, thường trú xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); Tạ Văn Triệu (SN 1974, thường trú ấp An Phong, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre); Huỳnh Thị Khánh Trang (SN 1987, thường trú xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang); Trần Thọ (SN 1965), Cao Cương (SN 1972, cùng trú thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế); Trần Thiện (SN 1972, thường trú số 47, phường Thạnh Xuân, Quận 12), Cao Thị Ngọc Diễm (SN 1969, thường trú phường 24, quận Bình Thạnh), Trần Thị Kim Loan (SN 1962, thường trú, phường 9, Quận 4) và Trần Huệ Chân Vương (SN 1971, thường trú phường 12, quận Gò Vấp, cùng ở TP. Hồ Chí Minh). Riêng đối tượng Trịnh Hoài Mai Khanh cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã bàn giao cho Công an TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra xử lý.
Đã có hàng ngàn tài liệu, phương tiện, vật chứng liên quan đến vụ án được cơ quan An ninh điều tra Công an Gia Lai thu giữ để phục vụ công tác điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.